Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, quy trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư được thực hiện như thế nào?

Updated: 27/04/2024 l 17:53

1. Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư được thực hiện như sau:

a) Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ và các văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này;

c) Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo 01 lần bằng văn bản cho nhà đầu tư về toàn bộ nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi một bộ hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ căn cứ, nội dung và thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Nhà đầu tư có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn ghi tại văn bản thông báo của cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp nhà đầu tư không sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn đã được thông báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét dừng giải quyết hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư;

d) Khi yêu cầu nhà đầu tư giải trình nội dung trong hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và ghi rõ thời hạn giải trình. Trường hợp nhà đầu tư không giải trình theo yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư về việc dừng giải quyết hồ sơ;

đ) Thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc giải trình của nhà đầu tư về nội dung có liên quan trong hồ sơ theo quy định tại các điểm c và d khoản này và thời gian xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư (nếu có) không được tính vào thời gian giải quyết thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này;

e) Trường hợp từ chối cấp, điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và các văn bản hành chính khác về đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

2. Việc lấy ý kiến giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư được thực hiện như sau:

a) Cơ quan lấy ý kiến phải xác định nội dung đề nghị có ý kiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được lấy ý kiến và thời hạn trả lời theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định nạy;

b) Trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời và chịu trách nhiệm về nội dung ý kiến thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó; quá thời hạn quy định mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý với nội dung thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đó.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền chỉ chịu trách nhiệm về những nội dung được giao chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết thủ tục khác có liên quan đến hoạt động đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này; không chịu trách nhiệm về những nội dung đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước khác không giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và tranh chấp giữa nhà đầu tư với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư.

5. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và mọi thiệt hại phát sinh trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thủ tục quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

-----

Điều 6 Nghị định 31/2021/NĐ-CP